Thứ Năm, 27 tháng 4, 2017

Tự ý bán SIM sẵn sẽ bị phạt từ 30 triệu đồng

Nghị định số 49/2017/NĐ-CP của Chính phủ đã có hiệu lực từ ngày 24/4, sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2011 và Điều 30 của Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.

Trong đó, khoản 1 của Điều 15 của Nghị định 25 được sửa đổi ghi rõ, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông có địa chỉ xác định do doanh nghiệp viễn thông thiết lập và được doanh nghiệp viễn thông ký hợp đồng ủy quyền để thực hiện việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông (gọi tắt là Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông).

Ở khoản 2 cũng quy định, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông phải có biển hiệu bao gồm tối thiểu các thông tin sau: "Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông"; tên hoặc thương hiệu của doanh nghiệp viễn thông thiết lập điểm cung cấp dịch vụ viễn thông hoặc ủy quyền cho điểm cung cấp dịch vụ viễn thông; địa chỉ; số điện thoại liên hệ.

Đồng thời, các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông phải có đủ trang thiết bị để nhập thông tin trên giấy tờ của các cá nhân, tổ chức; số hóa giấy tờ của cá nhân, tổ chức; chụp ảnh người trực tiếp đến giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung (đối với dịch vụ viễn thông di động) và chuyển thông tin, bản số hóa giấy tờ, ảnh chụp về cơ sở dữ liệu tập trung của doanh viễn thông.

Tại khoản 3 cũng nêu rõ, khi giao kết hợp đồng theo mẫu, đối với cá nhân phải có bản chính hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân còn thời hạn. Đối người có quốc tịch nước ngoài phải có giấy tờ tùy thân. Đối với tổ chức, phải có bản chính hay bản sau được chứng thực từ bản chính quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế hoặc giấy phép đầu tư...

Sau khi nhận giấy tờ cá nhân, tổ chức đến thực hiện giao kết hợp đồng, các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông cần đối chiếu, kiểm tra giấy tờ, điều kiện giao dịch chung theo quy định và lưu giữ thông tin thuê bao trên cơ sở dữ liệu để đảm bảo truy nhập, phục vụ kiểm tra, thanh tra thông tin thuê bao. Bảo đảm bí mật thông tin thuê bao theo quy định của pháp luật.

Tại điều 30 của Nghị định số 174 được sửa đổi cũng quy định rõ, sẽ phạt tiền từ 200.000 đến 500.000 đồng đối với một số hành vi sau: Giả mạo sử dụng giấy tờ của các cá nhân và tổ chức khác để thực hiện giao kết hợp đồng. Không thực hiện việc giao kết lại hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.

Tại khoản 2 cũng quy định sẽ phạt từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng trên mỗi số thuê bao đối với doanh nghiệp viễn thông di động nhưng tổng số tiền phạt không vượt quá 200.000.000 đồng đối với mỗi hành vi do vi phạm trong việc cung cấp dịch vụ cho thuê bao có thông tin thuê bao không đúng quy định tại khoảng 5 điều 15 Nghị định 25 đã được sửa đổi. Thực hiện việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung không đúng quy định cũng sẽ áp dụng hình phạt này.

Đáng chú ý, sẽ phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đới với các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông bán SIM thuê bao di động không được doanh nghiệp viễn thông ký hợp đồng ủy quyền giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung. Bán và lưu thông trên thị trường SIM thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước. Mua bán và trao đổi hoặc sử dụng SIM đa năng, thiết bị có chức năng kích hoạt sẵn dịch vụ cho SIM thuê bao không cần phải bẻ SIM để nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước của SIM thuê bao....

Ngoài ra, Nghị định mới còn phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với doanh nghiệp viễn thông vi phạm thực hiện ủy quyền giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung không đúng quy định. Chấp nhận thông tin thuê bao do điểm cung cấp dịch vụ viễn thông không được ủy quyền. Đồng thời, sẽ bị phạt nếu không thông báo hoặc không yêu cầu các thuê bao thực hiệu lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung khi phát hiện thông tin thuê bao không đúng quy định.

Nghị định số 49/2017/NĐ-CP của Chính phủ đã có hiệu lực từ ngày 24/4 và trong vòng 12 tháng kể từ ngày có hiệu lực, doanh nghiệp viễn thông di động có trách nhiệm rà soát, hướng dẫn và yêu cầu các thuê bao di động trả trước đang sử dụng dịch vụ mà thông tin chưa đúng quy định cần thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu.

Đối với các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông, các doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm rà soát, thông báo, ký hợp đồng, thanh lý hợp đồng, thu hồi toàn bộ các SIM thuê bao di động đã được doanh nghiệp phân phối cho các đại lý.

Các điểm đăng ký thông tin thuê bao, phân phối SIM thuê bao đang hoạt động nếu không được doanh nghiệp viễn thông ký hợp đòng ủy quyền giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo quy định tại Nghị định này phải ngừng hoạt động tiếp nhận, đăng ký thông tin thuê bao, bán SIM.

Gia Hưng

Tag :quy định, phạt tiền, sim rác, sim, thuê bao di động, bán sim

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét